TIN TỨC

02 - 2024
09
09 - 02 -2024

Ý NGHĨA VÀ VỊ TRÍ ĐẶC BIỆT LOÀI RỒNG TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM

Trong 12 con giáp, tất cả đều là động vật có thật, duy chỉ có rồng là con vật thần thoại.

Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo được đúc vào niên hiệu Minh Mệnh thứ 8 (1827) chạm khắc hình rồng. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Theo lịch âm, năm Quý Mão sắp đi qua, năm Giáp Thìn sắp đến. Nói đến rồng – con vật biểu tượng của phương Đông, rồng với người Việt càng đậm nét hơn trong văn hóa.

Rồng ở nhiều quốc gia châu Á thường đại diện cho vua chúa, sự quyền uy. Ở Việt Nam, rồng gắn bó trong đời sống, tình cảm, quan niệm của người dân. Điều này thể hiện qua việc cha ông ta và con cháu vẫn cho mình là con rồng cháu tiên.

Truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con nói rõ điều này. Vua Hùng và con cháu, đều là hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ, là chủ nhân của khu vực đồng bằng sông Hồng, đã cùng chung sức, chung lòng khai hoang, tìm giống, rồi trồng lúa làm nguồn sống chính. Nền văn minh lúa nước được ra đời từ đấy.

Nhiều thần thoại, sự tích cũng cho thấy sự hiện hữu của rồng trong đời sống người Việt như: Sự tích Thăng Long – rồng bay lên, sự tích Vịnh Hạ Long – rồng hạ cánh; các địa danh như vịnh Bái Tử Long (cung kính rồng), đảo Bạch Long Vĩ (rồng trắng), sông Cửu Long (chín rồng), sông Hoàng Long (rồng vàng)…

Đối với người Việt, hình tượng con rồng không chỉ biểu hiện cho uy quyền của vua chúa mà còn quen thuộc với cả người dân, thể hiện qua những câu tục ngữ nói về rồng như “Rồng vàng tắm nước ao tù”, “Rồng đến nhà tôm”, “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo”…

Ảnh minh họa con Rồng thời Trần (Nguồn: sưu tầm từ Internet)

Với người dân Việt Nam, hình tượng rồng được ghép với uy quyền của nhà vua, như áo bào của vua gọi là long bào, sân điện là long đình, xe của vua là long giá, gương mặt vua là long nhan, giường vua nằm là long sàng, thân thể vua là long thể, thuyền rồng để vua du thủy…

Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh.

Vì thế, rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc. Ở nhiều di tích, công trình xây dựng, rồng được khắc họa như biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn, là dấu hiệu thuận lợi cho nông nghiệp.

Vì vậy, rồng vừa mang màu sắc kỳ bí của huyền thoại vừa quen thuộc trong dân gian.

Được xem là vua trong thế giới sinh vật, nên dễ hiểu rồng là biểu tượng của điềm lành, sự may mắn và tốt đẹp đối với phương Đông. Trong truyền thuyết, thần thoại của phương Đông, dù cốt truyện có khác nhau nhưng rồng bao giờ cũng ẩn chứa ý nghĩa là một biểu tượng cho sự cao quý tốt đẹp.

Nguồn tin: Laodong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *